Trịnh Lữ - con trai cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - viết sách về sự nghiệp của cha, người gắn liền phong cách thiền họa.
Cuốn Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương của Trịnh Lữ dài 388 trang, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được viết song ngữ Việt - Anh. Tác phẩm gồm ba phần: "Cuộc đời và sự nghiệp", "Di sản đặc biệt", "Bình luận, tưởng niệm".
Nội dung sách viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997). Ông được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, là nghệ sĩ có nhiều dấu ấn trong hội họa, thiết kế nội thất tại Việt Nam.
Trong phần đầu, tác giả khái quát cuộc đời và sự nghiệp họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc gắn liền cách thực hành thiền họa "mắt nhìn tay vẽ". Ông vận dụng kiến thức, sức sáng tạo cá nhân vào tranh vẽ và các lĩnh vực mỹ thuật khác. Trịnh Hữu Ngọc gặt hái thành công cùng xưởng mộc Mémo Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân...
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nói Trịnh Hữu Ngọc gần như rũ bỏ những ngổn ngang của cuộc sống để tìm cho mình một góc yên lặng và tạo ra mỹ cảm khi hòa mình với thiên nhiên. "Bức tranh thiên nhiên cũng chính là bức tranh tâm hồn của ông. Ông có một cuộc đời lặng lẽ cống hiến, hội họa Thiền là dấu ấn đặc biệt trong nền hội họa Việt Nam", theo Lương Xuân Đoàn.
Điểm nhấn cuốn sách nằm ở phần hai, chứa đựng chi tiết các di sản của ông. Đó là các tác phẩm từ thời sinh viên, đồ gỗ, tác phẩm minh họa, tranh sơn ta, từ Ấn tượng đến Thiền họa. Ở đó, độc giả được chiêm nghiệm cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn hiện thực, đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp của những thầy cô mà ông kính trọng như Victor Tardieu, Joseph Inguimberty, Alix Aymé...
Ở phần ba của sách, Trịnh Lữ bình luận, tưởng niệm, tập hợp những bài viết, một số trích đoạn báo chí, thư gửi thầy giáo của cố họa sĩ. Tác giả viết: "Trịnh Hữu Ngọc muốn dùng sơn ta như một chất liệu bền vững cho lối vẽ trực họa ấn tượng của mình, thay thế toàn bộ chất liệu sơn dầu cổ điển phương Tây". Sau nhiều thử nghiệm từ cuối những năm 1940, ông bắt đầu trực họa phong cảnh trong năm 1953, với những chất liệu sơn ta do ông tự chế.
Nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định qua việc tìm tòi sáng tạo với chất liệu sơn ta, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc như một chứng nhân, đưa chất liệu này vào nền hội họa mới. "Ông nắm vững tư tưởng sáng tác, không bị câu nệ vào chất liệu, mạnh dạn nghĩ ra vật liệu mới để đưa vào phương tiện của mình", nhà nghiên cứu Phạm Long nói.
Tác giả Trịnh Lữ cho biết ông truyền tải niềm tin của người cha đến bạn đọc, rằng hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống. Thông qua cuốn sách, tác giả cũng mong muốn chia sẻ những đóng góp của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc dành cho quê hương trong chiến tranh và giai đoạn xã hội đổi mới.
Các tác phẩm của Trịnh Hữu Ngọc thể hiện những đề tài gần gũi, mộc mạc với cuộc sống làng quê Hà Nội như hoa cỏ, trái cây, làng mạc. Ông có nhiều quan niệm rộng mở về nghệ thuật: "Thành người tự do rồi mới thành nghệ sĩ", "Nghệ thuật là lao động điêu luyện", "Vẽ lặp đi lặp lại một cái cây mà vẫn không thấy chán, tức là còn tình yêu với nghệ thuật", "Thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống"...
Họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn), sinh năm 1948, ông thừa hưởng tình yêu hội họa từ họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang - nổi tiếng về tranh lụa, với nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật, tư vấn truyền thông.
Ông có năm triển lãm cá nhân, chín sách được xuất bản và 16 đầu sách dịch. Nổi bật nhất là Cuộc đời của Pi, Rừng Na Uy, Đại gia Gatsby, Đi về - Nhật ký hội họa 2014... Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình trong các tác phẩm như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.
Nhận xét
Đăng nhận xét